Phật giáo Thanh Hóa

Ban thông tin truyền thông

Tìm theo tin bài Tìm theo tác giả

Chùm chuyện: Nhân quả báo ứng ( Phần 3 )

Xin chia sẻ chùm chuyện về nhân quả được sưu tầm từ internet :

Đọc thêm: 

- Chùm chuyện: Nhân quả báo ứng ( Phần 1 )

- Chùm chuyện: Nhân quả báo ứng ( Phần 2 )

11. Mặt thiện tâm ác chết không được yên

 

Ở huyện Hội Khê thuộc tỉnh Triết Giang có một người tên là Ngô Tế Hữu. Cung cách cử chỉ hằng ngày của ông ta rất là nghiêm trang đạo mạo, vì thế mọi người đều cho rằng ông ta là một hiền nhân quân tử. Nhưng cả đời ông ta rất khốn khổ và thiếu thốn, nhất là lúc về già. Một hôm, ông ta đến hỏi một đạo sĩ rằng: “Cả đời của tôi chưa từng tạo tội lỗi, vậy tại sao ông trời lại bất công đối với tôi, hành hạ tôi suốt đời phải chịu khốn khổ như vậy?”
Đạo sĩ bèn đáp: “Cả đời của ông bên ngoài thì lúc nào cũng làm ra vẻ ta đây là người hiền lương nhân hậu nhưng bên trong chỉ toàn là tâm niệm hiểm ác. Tuy mọi người không biết nhưng trời biết, ông trời đang và sẽ tiếp tục trừng trị về những tội lỗi của ông. Nếu như ông rộng làm phước đức với một tấm lòng chân chính thì trời mới có thể miễn bớt hình phạt cho ông.”
Nhưng Ngô Tế Hữu đã không nghe theo lời khuyên của đạo sĩ mà vẫn ngoan cố giả dạng là một hiền nhân và âm thầm làm các việc xấu ác. Cuối cùng mọi người cũng phát hiện ra ông ta là kẻ giả dối nên đã xa lánh. Thế rồi Ngô Tế Hữu xấu hổ, uất ức mà chết.
Vậy kính khuyên những người làm thiện chớ nên dối lòng, bởi vì đạo trời rất công bằng, báo ứng rất phân minh, không nên cho rằng hoạ phước, báo ứng là chuyện mờ mịt để rồi phô bày điều thiện mà che đậy những điều xấu ác. Nếu làm như vậy thì sẽ không tránh khỏi sự trừng trị của luật nhân quả..

 

12. Tâm nhiều vọng tưởng sẽ phát bệnh

 

Triều đại nhà Thanh có vị quan lớn tên là Quách Tử Nguyên. Do ông không được hoàng đế trọng dụng nên buồn phiền mà sanh bệnh. Một hôm, ông ta đến hỏi một vị cao tăng để cầu xin ngài chỉ rõ nguyên nhân bệnh tình của mình. 
Vị tăng dạy rằng: “Ông tuy đọc sách vở thánh hiền nhưng vọng tưởng quá nhiều nên sinh ra phiền não. Thí như nhớ sự vinh nhục của mấy mươi năm qua, đó là vọng tưởng về quá khứ của ông. Việc trước mặt ông lại sợ trước sợ sau, vẫn còn nghi ngờ không dám quyết định, đây là vọng tưởng ở hiện tại của ông. Mơ mộng công danh phú quý, con cháu thịnh vượng, đây là vọng tưởng về tương lai. Hiện nay, tình trạng của ông như vậy là vì mỗi ngày từ sáng đến tối trong tâm của ông lúc nào cũng vọng tưởng điên đảo, không giây phút nào nghĩ đến việc thiện thì tự nhiên toàn thân phát bệnh. Nếu như ông có thể buông bỏ hết tất cả các vọng tưởng đó thì thân thể ông sẽ trở nên khoẻ mạnh và được trường thọ.” 
Nghe xong lời khai thị của lão tăng, Quách Tử Nguyên cảm thấy hổ thẹn và xin cáo từ. Từ đó, ông ta dần dần buông bỏ các vọng tưởng. 
Quả nhiên, căn bệnh của ông ta cũng tiêu mất theo vọng tưởng. Kể từ đó, ông sống một cuộc sống thanh thản, tự tại cho đến cuối đời.
Chỉ cần chuyển đổi niệm ác thành niệm thiện thì đã giống như chuyển địa ngục thành thiên đường rồi, huống hồ có thể làm cho tâm được thanh tịnh thì ngay lập tức ở đó chính là thiên đường.
Vậy những điều bổ ích, lợi lạc như thế, tại sao chúng ta không làm?

 

13. Hãm hại người tốt, quỷ thần không tha

 

Vào thời nhà Minh, có vị quan giữ chức giám sát ngự sử tên là Lưu Khí Chi. Ông ta là một người thanh liêm chánh trực, thường hay vạch tội những vị quan lớn nên bị nhiều người thù ghét. 
Về sau, ông bị người hãm hại, bị đày đến đảo Hải Nam ở tỉnh Quảng Đông. Cùng thời gian này, Lâm Cường là một kẻ thù địch với ông cũng được phái đến đảo Hải Nam để làm quan. Nhân cơ hội này, Lâm Cường quyết định giết chết Lưu Khí Chi để báo thù. 
Không ngờ ngay hôm Lâm Cường đến nhận chức thì đêm đó nằm mộng thấy ác quỷ đến đánh đập mình, rồi qua hôm sau bèn hộc máu mà chết. Lưu Khí Chi cũng nhân đấy mà được thoát nạn.
Người có tâm chánh thì thiện khí tích tụ và sẽ được trời giúp, cho nên có thể chuyển nguy hiểm thành bình an. Còn người có tâm ác thì tà khí nhóm họp, ắt sẽ cảm với tà yêu, rốt cuộc sẽ gặp tai họa. Đây là một chân lý nhất định.
Vậy kính khuyên mọi người nên cố gắng làm thiện, tích phước để có được những quả báo tốt đẹp trong hiện tại cũng như tương lai.

 

14. Làm nhiều việc thiện con cháu được giàu có

 

Triều đại nhà Thanh có một vị tiên sinh tên là Đậu Vũ Quân. Mặc dầu ông đã gần 50 tuổi mà vẫn chưa có người con nào cả. Một hôm, ông nội của ông về báo mộng và khuyên ông ta rằng: “Con nên cố gắng làm các việc thiện, tương lai không những được trường thọ mà còn giàu có và sẽ sanh được năm người con trai.” 
Kể từ đó, ông ta ra sức làm việc thiện trong suốt nhiều năm. Quả nhiên vợ chồng ông sanh được năm người con trai. Về sau, ông nội của ông lại báo mộng một lần nữa và khuyên ông ta nên làm thêm nhiều việc thiện thì con cháu mới được hưởng. Nghe theo lời khuyên, ông liền đem hết tài sản trong gia đình ra cứu giúp cho những người nghèo khổ, rộng làm những việc phước đức.
Sau này, người con trai trưởng của ông được làm quan đến chức thượng thư, bốn người còn lại cũng được làm các quan chức lớn trong triều. Không những chỉ 5 người con trai mà cả tám đứa cháu nội của ông cũng đều được làm quan và giàu có cả.
Mặc dầu con cháu đã có công danh phú quý, song Đậu Vũ Quân vẫn tự mình luôn làm các việc thiện, không hề dừng nghỉ. Mãi đến năm tám mươi tuổi ông ta mới qua đời trong một trạng thái nhẹ nhàng, thanh thoát. Quả như lời tục nói rằng: 
Tổ tiên đời trước làm lành,

 

Đời sau con cháu hưởng phần giàu sang.
Đậu Vũ Quân là một người tích đức sâu dày, con cháu nhờ đó mà được giàu sang phú quý và chính ông cũng được trường thọ.
Qua đó, chúng ta thật không thể không tin nhân quả

 

15. Có lòng cứu vật sẽ được phước báo.

 

Triều đại nhà Tống có một anh chàng tên là Tống Giao. Một hôm, anh ta đến nhờ ông thầy xem tướng số bói cho anh một quẻ trước khi lên kinh dự thi. Ông thầy tướng số chế giễu mà bảo anh rằng: “Ngươi là một kẻ hèn hạ, vì thế đừng nên mơ mộng công danh.” 
Song, Tống Giao không hề thoái chí. Sau 5 năm, cuối cùng anh ta cũng đậu trạng nguyên. Thế là anh ta trở lại tìm ông thầy tướng số, vì muốn cho ông ta biết rằng việc xem tướng của ông lúc trước đã hoàn toàn không đúng, vậy mà còn dám khinh thường chế giễu anh ta. 
Nhưng khi ông thầy tướng thấy anh ta đến liền hỏi: “Không biết trong mấy năm qua anh đã làm được những việc thiện gì mà tướng trạng của anh bây giờ đã thay đổi hoàn toàn so với lần trước anh đến đây?”
Tống Giao liền đáp: “Năm trước, sau một trận mưa lớn, tôi đã cứu sống hàng vạn con kiến, châu chấu... khỏi bị nước cuốn chết.”
Sau khi nghe xong, thầy tướng mỉm cười nói rằng: “Tôi rất vui mừng và kính trọng việc làm của anh. Cái bản chất hèn hạ của anh xưa kia đã biến thành tướng mạo giàu sang quyền quý. Thế nào anh cũng được thăng tiến trên đường công danh. Anh nên biết: sanh mạng của các loài vật như kiến, châu chấu, giun dế... cũng giống như mạng sống của con người. Bởi thế, công đức cứu mạng của anh đã khiến cho tướng mạo, cốt cách của anh thay đổi nhanh chóng. Vậy kính chúc anh gặp nhiều may mắn.”
Về sau, quả nhiên Tống Giao được làm một chức quan lớn trong triều. Quả đúng như lời tục nói rằng: “Phước đức sâu dày có thể xoay chuyển trời đất”.
Tống Giao có lòng từ bi cứu sống hàng vạn sanh mạng. Việc làm tuy nhỏ nhưng phước đức rất lớn. Chính nhờ phước đức đó mà anh ta được tướng mạo đoan trang, cốt cách phi phàm.
Do đó, chúng ta có thể biết được: phước đức luôn đến với những ai làm thiện và những kẻ làm ác chắc chắn sẽ bị trừng phạt.

 

16. Giết vật tàn nhẫn, làm hại đến con cháu

 

Ở Hàng Châu thuộc tỉnh Triết Giang có một người con gái rất hung ác, tánh ưa sạch sẽ. Vì thế, các loại côn trùng như chuột, gián... ở trong nhà đều bị cô ta tìm cách giết sạch. Ngoài ra, ở sân trước, sân sau hễ chỗ nào có giun dế, châu chấu, muỗi, ruồi... cô ta cũng tìm cách giết hết, không để sót một con nào thì mới hài lòng. Cô ta đã giết hại vô số sanh mạng của các loài nhỏ bé và lấy đó làm niềm vui.
Sau này, cô ta lấy chồng và sanh được một người con trai. Nhưng đứa bé này toàn thân mọc đầy mụn nhọt. Cô ta đã mời nhiều thầy thuốc giỏi đến chữa trị, song tất cả đều bó tay. Bệnh này còn tiết ra một chất ngọt nên khiến cho vô số các loài trùng kiến, muỗi, ruồi kéo đến. Vì thế, cô ta suốt ngày phải ngồi đuổi chúng. Cô ta rất đau lòng về chứng bệnh kỳ lạ của con mình. Sau một thời gian, cậu con trai chết, cô ta nhân đó mà phát điên.
Mọi người thấy vậy bảo nhau rằng: Đây là sự báo ứng ngay trong đời hiện tại về tội giết hại các sanh mạng nhỏ bé của cô ta.
Cô gái này giết hại đã quen thành tánh, chẳng có chút lòng từ bi. Cô ta đâu biết rằng mọi con vật cũng đều biết đau khổ, cũng biết yêu quý mạng sống của nó, giống như tình thương của cô ta đối với người con trai của mình vậy. 
Những người hiểu biết đều cho rằng: Cô ta mang nghiệp sát sanh quá nặng, đúng lý phải tuyệt tử tuyệt tôn, nhưng nỗi đau mất con và sự nổi điên cũng là một quả báo thích đáng về những việc làm của cô ta trong đời hiện tại.
Người đời ai mà chẳng thương con, nhưng nếu chúng ta đem tình thương đó trang trải đến với mọi loài thì cũng chính là che chở cho đứa con thân yêu của mình. Xin mọi người hãy suy nghĩ cho kỹ và làm theo lời khuyên này.

 

17.Tuyệt đường con cháu do chiếm mộ người khác

 

Vào đời nhà Đường, ở huyện Kiến Âu thuộc tỉnh Phúc Kiến có một kẻ lưu manh tên là Lâm Đạt. Anh ta nghe mọi người đồn rằng sở dĩ con cháu nhà họ Trần được giàu sang là nhờ phần mộ của tổ tiên họ chôn trúng chỗ huyệt rất tốt. 
Thế là anh ta tìm cách lén đào ngôi mộ tổ tiên nhà họ Trần lên rồi đem quan tài của cha mình đặt vào trong đó. Trong lòng anh ta nghĩ rằng: “Từ nay trở đi, dòng họ của mình sẽ tha hồ được vinh hoa phú quý.” 
Nhưng ngay đêm hôm đó, người cha quá cố của anh ta về báo mộng và quở trách anh ta: “Con đã vì cha, vì dòng họ mà đào mồ mả tổ tiên của người khác nên Diêm Vương phạt cha phải bị đoạ xuống 18 tầng địa ngục và phạt con phải bị tuyệt tử tuyệt tôn, chết không được yên ổn.” 
Lâm Đạt tuy không tin điềm mộng song sự thật đã khiến cho anh ta phải đau khổ sợ hãi. Đó là, không bao lâu sau đứa con trai anh bị người khác đánh chết, đứa con gái treo cổ tự tử, còn người vợ lại ngoại tình đi theo kẻ khác. Thấy tình cảnh như vậy, anh ta cuối cùng cũng treo cổ tự vận ngay trên cây đại thọ ở trước ngôi mộ mà anh đã đào trộm. 
Bởi vậy, mọi người đều nói rằng: Đây là sự báo ứng rất đích đáng về tội lỗi của anh ta đã tạo nên.
Lời tục nói rằng: “Địa lý phong huyệt vốn là đạo trời, nếu người nào không thuận theo đạo trời thì tuy chỗ đất có tốt nhưng khi chôn vào cũng trở thành xấu.” Lâm Đạt thường làm những việc lợi mình hại người, lại còn chiếm đoạt phần mộ tổ tiên của người khác. Đối với những hành vi vô đạo đức như thế thì làm sao mà hưởng được phước đức giàu sang? 

 

18. Bố thí tích đức, con cháu được giàu sang

 

Vào đời nhà Đường, huyện Kiến Đức thuộc tỉnh Triết Giang có một người chủ trì việc xét xử ở nha phủ tên là Thích Lộ. Ông là một người liêm chính nhân hậu, thường hay làm việc bố thí tích thiện. Đối với những người phạm tội, ông ta hết lòng khuyên răn, giúp đỡ, rất nhiều người nhân đó mà được bảo toàn mạng sống và đã bỏ ác làm lành.
Một hôm, có vị huyện trưởng nửa đêm bỗng thấy nhà của ông Thích Lộ phát sáng, ánh sáng chiếu khắp cả một vùng trời. Sau khi huyện trưởng tìm hiểu nguyên do mới hay là vợ của Thích Lộ vừa sanh được một bé trai và toàn thân đứa bé phát ra ánh sáng rất kỳ diệu.
Huyện trường hiếu kỳ liền đích thân đến để xem cho thoả mãn. Khi nhìn thấy đứa bé, ông ta tỏ ra kính trọng mà khen ngợi rằng: “Đứa bé này tuy còn nhỏ nhưng đã có tướng giàu sang quyền quý. Đây chính là nhờ phước đức làm thiện của cha mẹ mà có được.”
Sau này cậu bé lớn lên quả nhiên thi đỗ liền tam nguyên và được phong làm quan đến hàng nhất phẩm. Cha mẹ cậu ta cũng hưởng được vinh hoa phú quý.

Ở đời, những người có quyền hành, chức tước mà biết bố thí, làm thiện, giúp đỡ kẻ nghèo khổ, cũng như Thích Lộ thanh liêm chánh trực, biết thương yêu dân thì chắc chắn sẽ được mọi người kính mến, phước thọ dồi dào và con cháu cũng nhờ đó mà được giàu sang hạnh phúc.
Vậy kính khuyên mọi người nên cố gắng làm thiện, chớ cho rằng đó là những điều mơ hồ, viễn vông.

 

19. Tâm địa hẹp hòi không được phước báo

 

Triều đại nhà Tấn có vị quan lớn tên là Từ Thủ Liêm. ông là một vị quan thanh liêm chánh trực, cần cù và tiết kiệm, nhưng mãi đến năm sáu mươi tuổi mới có được một đứa con trai. Không may, người con trai của ông mắc phải bệnh đậu mùa mà chết sớm. Vì thế, đêm nào ông ta cũng đốt hương cầu xin thần linh cho vợ chồng ông ta sanh một đứa con trai khác để có người nối dõi tông đường. 
Một hôm, trong lúc ông đang ngủ bỗng có vị thần đến báo mộng và quở trách ông ta rằng: “Ngươi tự mình giữ gìn thanh liêm, chỉ biết lo danh dự của mình mà không chịu ra sức cứu giúp cho những người khác trong khi họ gặp hoạn nạn. Lòng ngươi luôn có sự ngờ vực nên những việc đáng làm lại không làm, bởi thế rất nhiều người nhân đó mà bị hại. Trong lòng ngươi chỉ nghĩ đến việc tư mà không chịu cứu giúp dân chúng cho nên Diêm Vương phạt ngươi phải bị tuyệt tử tuyệt tôn. Sao ngươi lại còn oán trách?”
Từ đó, ông ta hối hận về những sai lầm của mình đã mắc phải, nhưng đến khi hối hận thì đã quá muộn.
Thông thường, con người chỉ biết về những việc thiện của họ mà họ không nghĩ về những lỗi lầm, sai trái của chính mình. Quả báo thiện ác như hình với bóng nhưng không cố định. Bởi vậy, nếu ai đã lỡ gây tội lỗi mà biết siêng năng tu tạo phước đức, rộng làm việc thiện thì có thể bù đắp cho những tội lỗi đó mà chuyển hoạ thành phước.

 

20. Giúp người nghèo khó sẽ có điềm lành

 

Vào đời nhà Thanh, ở huyện Nghi Hưng thuộc tỉnh Giang Tô có một phú ông tên là Ngô Nghi Tam. Mặc dù ông là người giàu có nhiều của cải nhưng lại không có đứa con trai nào để thừa kế cả. Bỗng một hôm, có vị hoà thượng đến nhà ông ta và khuyên rằng: “Ông nên làm nhiều việc thiện thì nhất định sẽ có con cháu đầy nhà.” 
Kể từ đó, ông ta bắt đầu làm các việc thiện, cố gắng tu tạo phước đức. Ông ta không những bố thí gạo cơm cho những người nghèo ở các cửa thành mà lại còn mở các tiệm thuốc mời những danh y đến phát thuốc cứu giúp cho mọi người, cho xây dựng các nghĩa trang, bố thí quan tài. giúp đỡ tiền bạc cho các gia quyến để họ lo chôn cất người thân, tặng vàng bạc để giúp những người nghèo lúc họ có việc cần, trợ giúp cho những thân bằng quyến thuộc nghèo khổ, xây dựng trường học miễn phí... Nói chung, phàm hễ có dịp làm việc thiện là ông ta liền bỏ tiền của, công sức ra làm không hề tiếc rẻ. 
Về sau vợ chồng ông sanh liền được ba cậu con trai và đến khi trưởng thành cả ba người con này đều được làm quan trong triều, trở nên giàu có.
Thử hỏi ở đời có ai cho mình chỉ toàn là thiện mà không hề có tội lỗi? Bởi vậy, Văn Xương Đế Quân có nghiên cứu về công và tội để so sánh, ông ta cho rằng: “Công nhiều là thiện, tội nhiều là ác.”
Ngô Nghi Tam hết lòng làm thiện nên liên tục sanh được ba cậu con trai. Đây thật là phước đức quả báo khiến cho con cháu thịnh vượng, dòng tộc được rạng rỡ.